Trung Quốc -“chiếc nôi” của văn hóa Châu Á, là sự tổng hợp của nhiều quốc gia đã tồn tại và nối tiếp nhau tại lục địa Đông Á cách đây ít nhất 3.500 năm, một nền văn minh lâu đời với hệ thống chữ viết riêng sử dụng cho đến ngày nay. Lịch sử Trung Quốc đặc trưng bởi những chia tách và thống nhất lặp đi lặp lại qua các thời kỳ hòa bình xen kẽ chiến tranh trên một lãnh thổ rộng lớn đầy biến động từ một vùng đất chính tại Bình nguyên Hoa Bắc và lan ra tận các vùng phía Đông, Đông Bắc và Trung Á.
Sơ nét về Trung Quốc
Trung Quốc – tên chính thức là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là một quốc gia có chủ quyền nằm tại Đông Á do Đảng Cộng sản cầm quyền, thủ đô tại Bắc Kinh.
– Đất nước Trung Quốc gồm 22 tỉnh, năm khu tự trị, bốn đô thị trực thuộc, và hai khu hành chính đặc biệt là Hồng Kông và Ma Cao. Đây là quốc gia đông dân nhất trên thế giới, với số dân trên 1,35 tỷ người. Diện tích xấp xỉ 9,6 triệu km², Trung Quốc là quốc gia có diện tích lục địa lớn thứ nhì trên thế giới.
– Năm 2013, nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ hai theo tổng GDP danh nghĩa và sức mua tương đương (PPP), và cũng là quốc gia xuất và nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Đến năm 2014, nền kinh tế Trung Quốc đạt vị trí số một thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP) và duy trì ở vị trí thứ hai tính theo giá trị thực tế.
– Trung Quốc được công nhận là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và có quân đội thường trực lớn nhất thế giới với ngân sách quốc phòng lớn thứ nhì. Trung Quốc là thành viên của Liên Hiệp Quốc từ năm 1971, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và cũng là thành viên của nhiều tổ chức đa phương chính thức và phi chính thức, trong đó có WTO, APEC, BRICS, SCO, và G-20.
Khí hậu du lịch
Khí hậu Trung Quốc rất khác biệt và thay đổi theo từng vùng.
Miền Bắc: thủ đô Bắc Kinh và các tỉnh phía Bắc.
Mùa đông từ tháng 12 đến tháng 03 năm sau, nhiệt độ trung bình từ -10°C đến 10°C, có tuyết rơi. Mùa hè từ tháng 5 đến tháng 8, nhiệt độ trung bình từ 26° đến 39°C. Mùa thu và mùa xuân rơi vào khoảng thời gian còn lại trong năm và là thời điểm lý tưởng nhất trong năm để đi du lịch, nhiệt độ trung bình khoảng 10°C đến 25°C.
Miền Trung: Thượng Hải, Tô Châu, Hàng Châu…
Đây là khu vực nóng nhất Trung Quốc vào mùa hè, có mùa đông ngắn và khá lạnh, có lúc nhiệt độ tương đương bằng Bắc Kinh. Nên đến khu vực này vào mùa thu vì tiết trời khá mát mẻ, khung cảnh cũng lãng mạn, thơ mộng
Miền Nam: Thẩm Quyến, Quảng Nam, Hải Nam…
Khí hậu nóng ẩm kéo dài từ tháng 4 cho đến tháng 9, nhiệt độ lên đến 38°C và có mưa, mùa đông ngắn từ tháng 1 đến tháng 3, mùa xuân và mùa thu nhiệt độ dao động từ 20°C đến 30°C.
Đi đến Trung Quốc như thế nào ?
Hiện tại có rất nhiều chuyến bay từ Việt Nam đến các thành phố lớn của Trung Quốc như: China Southern, Air China, Jetstar Pacific Airlines, China Eastern, Sichuan Airlines, Vietnam Airlines, Capital Airlines … Ngoài đường hàng không còn có các tuyến đường sắt liên vận Việt Trung và đường bộ nối với Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới như: Hà Khẩu ở Lào Cai, Hữu Nghị ở Lạng Sơn, Móng Cái ở Quảng Ninh …
Di chuyển tại Trung Quốc
Tại các thành phố lớn của Trung Quốc có hệ thống giao thông đường bộ rất phát triển, du khách có thể sử dụng các phương tiện giao thông công cộng là xe Buýt và Tàu điện ngầm. Taxi cũng rất dễ dàng cho du khách khi đón dọc đường hoặc các điểm đón qui định.
– Xe buýt công cộng: Rất nhiều và rẻ, chỉ khoảng từ vài RMB là có thể đi đến hầu hết các nơi trong thủ đô Trung Quốc. Xe buýt máy lạnh nội thành Trung Quốc có giá vé từ 6 đến 18 RMB (có thể thay đổi theo từng thời điểm)
– Xe taxi: Khi sử dụng taxi phải kiểm tra đồng hồ metter và mang theo địa chỉ khách sạn. Ở Trung Quốc giá taxi là 2.6 RMB cho 1 km đầu tiên (có thể thay đổi theo từng thời điểm).
– Xe điện ngầm (MRT): Hoạt động hằng ngày từ 6h sáng đến 12h đêm. Muốn sử dụng loại phương tiện này cần phải nắm rõ tuyến đường. Giá tùy theo chặng đường dài hay ngắn từ 3 RMB trở lên (có thể thay đổi theo từng thời điểm).
Điểm tham quan du lịch
Đất nước Trung Quốc rộng lớn với vô số cảnh đẹp và các công trình kiến trúc đồ sộ khiến du khách phải ngẩn ngơ, trầm trồ thán phục. Những thành phố và điểm du lịch mà quý khách không thể bỏ qua:
– Bắc Kinh: Vạn Lý Trường Thành; Quảng Trường Thiên An Môn; Tử Cấm Thành; Di Hoà Viên; Thiên Đàn; Thập Tam Lăng; Phủ Hòa Thân; Sân Vân Động Tổ Chim, Vương Phủ Tỉnh, Đức Thắng Môn …
– Thượng Hải: Tháp Truyền Hình Đông Phương Minh Châu; Bến Thượng Hải; Dự Viên; Khu miếu Thành Hoàng; Chùa Ngọc Phật; thị trấn Chu Gia Giác…
– Hàng Châu: Cảnh đẹp Tây Hồ; Phi Lai Phong; Miếu Nhạc Phi; Chùa Linh Ẩn; Vườn Trà Long Tĩnh; Phim trường Tống Thành…
– Tô Châu: Chùa Hàn Sơn; Sư Tử Lâm; du ngoạn trên sông Đại Vận Hà…
– Quảng Châu: Công viên Việt Tú với tượng Ngũ Dương – biểu tượng văn hóa của Quảng Châu; Núi Bạch Vân; Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn …
– Thẩm Quyến: Cửa sổ Thế giới – một quần thể các kỳ quan thế giới thu nhỏ; Trung Hoa Cẩm Tú – tập trung khoảng 100 di tích văn hóa, lịch sử và danh lam thắng cảnh của đất nước Trung Hoa; Bảo tàng cổ vật Thẩm Quyến, công viên Liên Hoa Sơn, tòa tháp Địa Vương…
– Tây An: Binh Mã Dũng – khu vực đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng; Tháp Chuông cao 45 m, sau trận động đất năm 1556, chiều cao giảm còn 43,4 m; Tháp Đại Nhạn có trên 1.300 năm tuổi bảy tầng cao 64m…
– Côn Minh – Đại Lý – Lệ Giang: Vườn đá Thạch Lâm, động Cửu Hương, động cổ A Lư Cổ, thành cổ Đại Lý, Tam Tháp, thành cổ Lệ Gian, ngọn núi tuyến Ngọc Long
Phong tục tập quán
Trung Quốc là một quốc gia đầy màu sắc và rất giàu nền văn hóa truyền thống. Trong số các văn hóa phong tục phổ biến đối người dân Trung Quốc:
– Tết âm lịch của người Trung Quốc: là ngày lễ tết truyền thống lớn nhất trong năm của người Trung Quốc.
– Tết Táo quân 23 tháng Chạp: tiễn Táo quân về trời báo cáo mọi chuyện trong năm của gia đình tới Ngọc hoàng. Sau ngày này, các gia đình Trung Quốc bắt đầu tiến hành dọn dẹp nhà cửa, viết câu đối Tết.
– Ngày 29, 30 tết, các gia đình bày ban thờ cúng tế trời đất tổ tiên, cùng quây quần ăn cơm tất niên.
– Sáng mùng một Tết, thời trước có tục “khai môn pháo trượng”, nghĩa là mở cửa và đốt pháo chào đón năm mới, nay đã cấm pháo nên không còn. Nam giới dậy sớm, ăn mặc đẹp và đi chúc tết họ hàng. Mùng hai Tết (hoặc miền Bắc Trung Quốc là mùng ba Tết), phụ nữ mới dẫn gia đình về thăm nhà đằng ngoại. Tất nhiên không thể thiếu phong tục mừng tuổi cho trẻ em, gọi là tiền lì xì.
– Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), nguồn gốc ngày tết truyền thống tại Trung Quốc với truyền thuyết Khuất Nguyên.
– Các phong tục lạ về đám cưới ở Trung Quốc: Anh em chung vợ của người dân tộc Tạng; Cưới cô dâu “cao số” ở Triết Giang; Đốt đuốc đón cô dâu của dân tộc Đồng ở huyện Tĩnh tỉnh Hồ Nam; Mùa xuân ném cô dâu ở vùng núi Ô Long bên bờ sông Tân An thuộc Vân Nam; Tạ hôn và cưới chịu ở của người Mán phía Nam Trung Quốc gần Việt Nam; Tục ném bùn trong đám cưới của dân tộc Đồng ở Trung Quốc; Tục thử giường ở vùng Lạc Dương Trung Quốc…
Lễ hội truyền thống
Trung Quốc được biết đến như chiếc nôi của nền văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Châu Á nói riêng với vô số lễ hội đặc sắc:
– Lễ hội thuyền rồng: được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, nhằm ngày Tết Đoan Ngọ hằng năm. Như chúng ta đã biết, Rồng là một con vật linh thiêng trong lòng người dân Trung Hoa, nó tượng trưng cho sự uy dũng, trang nghiêm và sung túc. Người ta thường thấy hình tượng rồng thường xuất hiện trong mọi mặt của đời sống người dân Trung Quốc từ hàng ngàn năm nay như trong áo bào của vua chúa, cung điện, đền chùa,..
– Lễ hội cháo cầu may: có nguồn gốc lễ hội này xuất phát từ Ấn Độ. Vào ngày thứ tám của tháng thứ 12 theo lịch âm Trung Quốc là ngày hội Cháo Laba được tổ chức tại một ngôi chùa ở thủ đô Bắc Kinh. Người ta tin rằng Cháo Laba có thể mang lại cho mọi người của cải và sự bội thu trong năm tới.
– Người Miêu với lễ hội Gạo Chị Em: tổ chức tại thị trấn Đài Giang, tỉnh Quý Châu ở phía Tây Nam của Trung Quốc là nơi tập trug sinh sống của người Miêu, một dân tộc ít người của Trung Quốc. Nó là một phiên bản Valentine của địa phương, là dịp để nam nữ thanh niên gặp gỡ và chọn bạn tình.
– Lễ hội năm mới Tết Losar của người Tây Tạng: bắt đầu vào ngày 22 tháng 2 và sẽ được tổ chức trong hai tuần vào khoảng tháng 12 và tháng giêng. Lễ hội Losar được tổ chức với những nghi lễ cổ đại diện cho cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, bằng cách tụng kinh, đi qua ngọn đuốc. Lễ Losar đặc trưng bởi những điệu nhảy, âm nhạc và tinh thần lạc quan của người Tây Tạng.
– Lễ Phật Đản: là một nước theo đạo Phật, Trung Quốc cử hành những ngày kỷ niệm quan trọng với những nghi lễ đem lại cho các tín đồ Phật giáo khắp đất nước như Lễ Magha Puja vào tháng 2, Lễ Visakha Puja vào tháng 5 kỷ niệm ngày Phật Đản, ngày Phật Giác Ngộ và ngày Đức Phật Nhập Niết Bàn …
– Lễ hội bánh hồ lô: tại lễ hội bánh hồ lô ở Trung Quốc, du khách sẽ được thưởng thức nhiều loại bánh hồ lô khác nhau, với những hương vị rất đa dạng.
Lưu trú
Khách sạn ở các thành phố lớn của Trung Quốc có rất nhiều mức khác nhau cho du khách chọn lựa, Bắc Kinh và Thượng Hải là hai thành phố có giá phòng đắt đỏ nhất. Nhìn chung các khách sạn tại Trung Quốc phòng rộng và tiện nghi, điều bất tiện cho du khách là Lễ tân của phần lớn các khách sạn chỉ nói tiếng Hoa và một số ít là biết sử dụng tiếng Anh nhưng không thành thạo.
Tiền tệ
Đơn vị tiền tệ của Trung Quốc là đồng nhân dân tệ (RMB hay CNY)
Tiền giấy có mệnh giá như sau: 1RMB, 2 RMB, 5 RMB, 10 RMB, 20 RMB, 50 RMB, 100 RMB.
Không nên mang theo tiền Việt vì tiền Việt không sử dụng ở Trung Quốc được. Có thể đổi từ Đô la Mỹ sang đồng nhân dân tệ. Trên đất nước Trung Quốc chỉ sử dụng đồng nhân dân tệ.
Ẩm thực
Dù đi bất kỳ nơi nào trên thế giới ta cũng thường gặp rất nhiều nhà hàng Trung Hoa với rất nhiều món ăn ngon và trang trí bắt mắt. Tuy nhiên khi du lịch đến Trung Quốc bạn càng ngạc nhiên về các món ăn được nấu nướng cầu kỳ, mang hương vị khách nhau đối với các vùng miền của Trung Quốc.
– Cơm là một phần quan trọng bậc nhất trong ẩm thực Trung Quốc, Tuy nhiên, nhiều nơi ở Trung Quốc, đặc biệt là miền bắc, miền trung của Trung Quốc, các sản phẩm làm từ lúa mì như mì sợi và các loại bánh bao (Mantou tiếng địa phương hay gọi) thì chiếm ưu thế, trái với miền nam Trung Quốc” nơi gạo là chủ lực. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương thì cơm là món ăn phụ và được dùng sau dùng dưới dạng cơm chiên, món Súp luôn được dùng trước bữa ăn.
– Trong các loại thịt, người Trung Quốc thích nhất là thịt heo. Họ cũng rất thích ăn cá, đặc biệt là cá chép. Cũng có nhiều loại thịt từ chim, gà, vịt trong đó có món vịt quay Bắc Kinh nổi tiếng thế giới. Người ta nói đùa rằng đến Bắc Kinh mà chưa ăn vịt quay Bắc Kinh thì cũng như chưa đến Bắc Kinh.
– Bên cạnh những món ăn mặn, Trung Quốc cũng rất nổi tiếng với các món ăn chay, thường được nấu trong các nhà hàng bình dân hoặc nhà chùa. Hình thức bên ngoài và tên gọi đều y như món mặn nhưng thực ra làm từ các loại nông sản đã được chế biến ra.
– Vùng Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên là nơi nổi tiếng với các món ăn cay xé họng. Những quả ớt, tiêu Tứ Xuyên ăn vào cay đến chảy nước mắt. Đến Thượng Hải, Quảng Châu, Tô Châu Quý khách nhất thiết phải thưởng thức các món cá nước ngọt.
Mua sắm
Tại Trung Quốc các khu chợ và siêu thị luôn sầm uất với rất nhiều mặt hàng từ cao cấp đến bình dân, chủ yếu là hàng sản xuất nội địa. Khi du lịch tại Bắc Kinh bạn nên ghé tham quan tại Phố đi bộ Vương Phủ Tỉnh; phố đi bộ Nam Kinh và khu mua sắm Thành Hoàng Miếu tại Thượng Hải; trung tâm thương mại Bạch Mã, phố đi bộ Bắc Kinh và phố Thượng Hải tại Quảng Châu; khu mua sắm Hoa Cường Bắc, chợ Đông Môn. Nam Sơn, Nam Nhân Dân và Thâm Nam Trung tại Thẩm Quyến.
Lưu ý: khi mua sắm tại Trung Quốc chỉ sử dụng đồng Nhân Dân Tệ. Chỉ ở các trung tâm siêu thị lớn mới có quầy đổi ngoại tệ nhưng tỉ giá thấp hơn ngân hàng. Đặc biệt khi mua sắm , đổi tiền và thối tiền, bạn lưu ý về vấn đề tiền giả với tờ 100 Tệ.
Những điều cần lưu ý khi du lịch
– Đối với du khách Việt Nam đi du lịch đến Trung Quốc phải xin thị thực nhập cảnh tại Việt Nam hay tại cửa khẩu nế di chuyển bằng đường bộ.
– Giờ ở Trung Quốc đi trước giờ Việt Nam một tiếng (GMT 8+).
– Điện thoại: Hầu hết du khách có thể dùng điện thoại ngay tại phòng của các khách sạn cùng bảng hướng dẫn sử dụng. Cách rẻ, tiện lợi hơn là Quý khách nên mua sim trả tiền trước đề sử dụng tại Trung Quốc, gọi đi quốc tế hay gọi về Việt Nam. Gọi điện thoại ở Trung Quốc: (0086 ) + số điện thoại.
– Trung Quốc sử dụng điện thế 220 volt và ổ cắm 2, hoặc 3 chấu vuông.
– Khi du lịch, đó mỗi khách du lịch bị giới hạn mang vào Trung Quốc tương đương tối đa 6.000 tệ một lần.
– Trang phục khi đi du lịch tùy theo mùa mà mang theo quần áo phù hợp. Nếu đi vào mùa hè thì nên mặc những trang phục lịch sự, sáng màu với chất liệu vải dễ hút mồ hôi, ngoài ra cũng nên mang theo áo khoác nhẹ đề phòng những cơn mưa có thể khiến thời tiết se lạnh. Nếu đi vào mùa đông thì nhớ mang theo áo ấm. Mùa xuân và mùa hè không khí mát mẻ, chỉ cần mang áo khoác nhẹ là được. (mùa xuân ở Bắc Kinh vẫn rất lạnh).
– Khi tham quan các Chùa chiền, Đền đài, Di tích Văn hóa, Lịch sử… có những yêu cầu khắt khe như sau: Nam mặc quần áo lịch thiệp, không mặc quần short và không mang dép lê; Nữ mặc trang phục kín đáo lịch sự, không mặc váy ngắn, quần áo lửng, quần áo mỏng, áo không cánh tay, quần bó, dép không quai hậu…